Chiếc áo CASA

Cảm ơn bạn đã ở đây!
Đây là bài viết thứ 2 của tôi trong chuỗi các bài viết về hậu trường Loa X.
Trước khi bắt đầu đọc phần này, bạn nên đọc trước phần 1

Tây Thiên thỉnh kinh

Tây Thiên hay Ấn Độ, có thể không phải là đất nước khai sinh ra ý tưởng sản phẩm loa thanh toán, nhưng là đất nước đã biến nó thành một trào lưu.

PayTM , công ty fintech lớn nhất Ấn Độ đã giới thiệu sản phẩm loa thanh toán đầu tiên mang tên SoundBox vào năm 2019 và sớm biến sản phẩm này thành một hiện tượng.

Vài năm sau đó, các công ty đối thủ như PhonePe, BharatPe, thậm chí Google Pay cũng bắt đầu ra mắt dòng sản phẩm của riêng mình. Sự tham gia của nhiều ông lớn đã giúp sản phẩm này lan toả khắp mọi miền đất nước, từ nông thôn tới thành thị, với hơn 20 triệu chiếc được tiêu thụ.

Tính đến giữa năm 2023, Paytm đã triển khai hơn 6,5 triệu thiết bị Soundbox tại Ấn Độ. Trong quý 3 năm tài chính 2024, Paytm tiếp tục mở rộng với việc bổ sung thêm khoảng 1,4 triệu thiết bị mới​ ​(Nguồn: Paytm Paytm BizNews India)

Kiếp nạn

Khi chúng tôi bắt đầu những ý tưởng đầu tiên cho sản phẩm Loa X, tại Việt Nam đã có rất nhiều đơn vị triển khai sản phẩm tương tự.

Trong năm 2023, hầu hết các ví điện tử và trung gian thanh toán Việt Nam đều ra mắt sản phẩm loa của mình.

Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai, giữa năm 2024, hầu hết hoạt động cầm chừng, một số đắp chiếu, im hơi lặng tiếng.

Khi tôi hỏi thăm, Một cậu bạn làm ở một TGTT lớn bảo tôi:

chắc ấn mobile banking k tốt như Việt Nam! nên bán cái sound box vẫn dc
như ở mỹ credit card cũng là trở ngại để bán qr / account payment

Chà, Game khó chứ đùa!!

Những tay to, to nhất trong giới công nghệ VN, nhiều tiền, nhiều nhân tài, chơi game này còn thất bại, chúng tôi, một startup bé tí ti, có cơ hội nào không?
Tại sao thành công của các ví ở Ấn không thể nhanh chóng lặp lại bởi các ví ở Việt Nam?
Tại sao VNPAY tham gia mà Momo, Zalo Pay không tham gia?

Anh tài

Tôi nhanh chóng có đáp án cho câu hỏi thứ 3. Khi chúng tôi bắt đầu mang sản phẩm POC đi triển khai thì Momo ra mắt Momo SoundBox, khoảng giữa tháng 7.
Momo tham gia, chậm hơn, nhưng kĩ càng, chắc chắn & bài bản. Đặc biệt cách họ bán hàng qua CTV tạo ra một tiêu chuẩn cho các bên, trong đó có chúng tôi, học hỏi.

Chúng tôi sẽ cần một cái tên cho sản phẩm này, Casso SoundBox là cái tên đầu tiên đến trong đầu nhưng tôi nhanh chóng gạt đi. Trước đó đã có rất nhiều đơn vị tại Việt Nam hay bắt chước dùng cái tên XXX SoundBox, rồi dịch qua tiếng việt là “hộp âm thanh” …. Tôi ghét cái tên này!

Tôi tự hỏi sao không ai đặt tên sản phẩm là loa, cho nó bình dân, dễ tiếp cận với đối tượng khách hàng là 5 triệu chủ cửa hàng khắp đất nước.

Cho nên khi Loa TingTing của 9Pay ra mắt, tôi phải thốt lên: “dm, Thế là cũng có thằng nó cùng quan điểm với mình”

Chân kinh

Loa thanh toán vốn sở hữu một mô hình kiếm tiền rất thú vị.

Khi một cửa hàng dùng loa thanh toán để nhận tiền thì hầu hết doanh thu sẽ đổ về tài khoản ví/ngân hàng liên kết với loa đó.
Đó sẽ luôn là tài khoản chứa nhiều tiền nhất của chủ cửa hàng và thường thì tiền sẽ đọng lại trung bình 4-7 ngày, trước khi chủ cửa hàng chuyển đi để thanh toán các chi phí hoạt đồng, trả tiền hàng cũng như chi tiêu cá nhân. Do đó, mấu chốt là ở đây:

Trung bình từ 10%-25% tổng doanh thu tháng của cửa hàng đọng lại ở CASA

Quán trà sữa tôi hay uống mỗi ngày bán khoảng 100 ly, doanh thu bèo cũng khoảng 90 triệu / tháng, CASA trung bình qua đêm hàng tháng khoảng 20 triệu.
Số tiền này bank trả lãi 0.1% rồi mang đi cho người có nhu cầu vay 5%-10%/ năm, trừ chi phí, có thể mang về cho bank lợi nhuận khoảng 3-4%, tương đương 600K-800K/năm. Chưa kể tới việc bán chéo các dịch vụ khác như cho vay, thẻ tín dụng, bảo hiểm và thu các phí dịch vụ.

Trong khi cái loa rất rẻ, giá vốn sản xuất chỉ có loanh quanh 10$-20$.
Nếu tôi là bank hoặc ví, tôi sẵn sàng tặng 1 cái loa miễn phí cho quán trà sữa này, kịch trần là 400K/cái , để thu về một nguồn lợi CASA bền vững trong nhiều năm.

Tương tự những gì mà các tấm Mica VietQR bình thường đã mang lại cho ngân hàng trong đợt Covid, Loa thanh toán sẽ còn hơn ở một số điểm:
– Sự thuận tiện, tin cậy và thân thiện của việc thanh toán qua loa, chủ cửa hàng sẽ thích thú và ưu tiên nhận thanh toán quét QR hơn là tiền mặt. Góp phần thúc đẩy xu hướng cashless society đi xa hơn.
– Một tờ giấy dán QR dễ xé, nhưng thay một cái Loa thanh toán qua ví/ngân hàng khác thì khó.

Tóm lại, tôi nghĩ game này không phải là game bán loa, mà là game CASA, bank/ví thu lợi nhất từ loa nên sẽ (phải) là bên có động lực nhất để trả tiền cho nó.
Khi làm việc với bank, chúng tôi hay đùa, sản phẩm này là một “chiếc áo cà sa” – “chiếc áo hút CASA”, như tiêu đề của bài blog này :))

Giác ngộ

Tôi nghe nhiều chuyên gia bảo là fintech Việt Nam rất khác với thế giới ở chỗ là bank mạnh quá, đè bẹp ví.

Tôi chưa đủ trải nghiệm để nói về chủ đề này, không biết ví nước ngoài có thể đi tới đâu, nhưng đồng tình với quan điểm là ở Việt Nam, bank quá mạnh:

  • Về kinh tế, 6 trên 10 doanh nghiệp lớn nhất niêm yết trên sàn chứng khoán là bank.
  • Về chính trị, Kì đại hội đảng gần nhất (XIII), banker có 6 ghế Uỷ Viên Trung Ương, ngang ghế với ngành Công An, 3 trong số đó là cựu chủ tịch Big-4 bank.
  • Về công nghệ, Một ngân hàng đối tác của chúng tôi đang duy trì một đội công nghệ hơn 2000 nhân viên phát triển phần mềm, chỉ chuyên làm các sản phẩm công nghệ cho bank. Số lượng nhân sự này có thể nói là không thua kém bất kì một kì lân công nghệ nào ở VN.

Ví điện tử ở Việt Nam đã được đầu tư mạnh mẽ và hoạt động rất năng động, từng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xã hội không tiền mặt tại Việt Nam trong những năm qua. Tuy nhiên, vai trò này ngày càng suy giảm và không được mời vào chung mâm trong hệ thống quan trọng tầm quốc gia.

Khi nghiên cứu các tiêu chuẩn QR quốc gia ở các nước khác, tôi cảm thấy hơi băn khoăn khi nhìn lại VietQR. Người xây dựng tiêu chuẩn này, dựa trên EMV, đã sử dụng mã BIN của ngân hàng làm Acquirer ID, dường như không hề tính đến khả năng các ví điện tử có thể tham gia trong tương lai.

Ví phản ứng khá chậm nhưng quyết liệt, đã quyết đoán từ bỏ tiêu chuẩn QR của mình mất nhiều năm trời xây dựng và chuyển qua thúc đẩy VietQR bằng cách xài ké VA định danh của bank (BVBank).

Tuy nhiên, thứ kìm hãm lớn nhất tới sự phát triển của ví, tôi nghĩ là ở quy định “Tổng hạn mức giao dịch qua các ví điện tử cá nhân của 01 khách hàng tối đa là 100 (một trăm) triệu đồng Việt Nam trong một tháng”, Thông tư 40/2024/TT-NHNN.

Nên tôi nghĩ, với hoàn cảnh hiện tại, trong game này, Ví/TGTT gần như không có cửa thắng bank.
Với hạn mức 100 triệu/ tháng, đối với một cửa hàng nhỏ thì ok, chứ cửa hàng ngon thì chỉ mất vài ngày là vượt qua mốc, ví nếu không tìm được các bypass chỗ này thì ví chỉ có gặm xương, còn phần ngon, như mọi khi, lại qua bank.

Nhìn lại lịch sử Bank vs Ví tại VN, tôi dự đoán, sau thị trường hơi “educated” một tí, tầm khoảng 50K loa hoạt động, bank sẽ nhảy vào.
Và nếu bank nhảy vào, họ sẽ là bên chiến thắng, với động cơ rất trong sáng và mạnh mẽ mang tên CASA, họ sẽ giúp cho sản phẩm này lan toả khắp đất nước Việt Nam, Như Ấn Độ đã làm được.

Và thế là chúng tôi đã bắt đầu xây dựng một mô hình kinh doanh dựa trên giả định đó.
Nói chung là chúng tôi rất hèn :)) , nên sẽ chơi dòng loa không thương hiệu, thương hiệu loa của chúng tôi chính là thương hiệu ngân hàng.

Nếu may mắn thành công, có lẽ cũng chẳng ai nhắc đến Loa Casso. Người ta sẽ gọi đó là Loa OCB, Loa BIDV, Loa Vietin …

Ừ thì, sao cũng được, miễn là tiếng loa “thanh toán thành công” sẽ vang lên ở mọi miền đất nước!

Đọc tiếp Phần 3: Máy POS bình dân